Insight News

Thủ Tướng Chính Phủ Phê Duyệt Chủ Trương Đầu Tư “Siêu Dự Án” Cảng Trung Chuyển Quốc Tế Cần Giờ

Published on 17.01.25

Vào ngày 16/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 148/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với mục tiêu xây dựng một cảng trung chuyển hiện đại, tích hợp các dịch vụ khai thác cảng container và các hoạt động liên quan, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng vận tải toàn cầu.

Toàn cảnh “siêu cảng” Cần Giờ.

Quy Mô Và Mục Tiêu Trọng Điểm

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ chính thức được triển khai tại Cù lao Gò Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM, với tổng diện tích 571 ha. Trong đó, 469,5 ha sẽ dành cho cầu cảng, kho bãi, khu văn phòng, nhà ở và hạ tầng kỹ thuật, cùng 101,5 ha phục vụ cho vùng nước hoạt động cảng. Theo dự chi đề ra, tổng mức đầu tư cho dự án này tiệm cận 129.000 tỉ đồng (tương đương 5,5 tỉ USD).

Với chiều dài cầu cảng chính lên tới 7 km và bến sà lan dài 2 km, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế lớn trong khu vực. Đây là công trình được kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của các hãng tàu và doanh nghiệp logistics từ trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển bền vững cho Việt Nam.

Điều Kiện Triển Khai Và Cơ Chế Đặc Thù

Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc triển khai dự án phải tuân thủ đầy đủ các quy hoạch cấp bậc, hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, bảo vệ môi trường và đáp ứng các yêu cầu về công nghệ. Đặc biệt, dự án sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

UBND TP HCM được giao trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên trách xác định tổng mức đầu tư cụ thể và quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện dự án. Theo quy định, nhà đầu tư không được phép chuyển nhượng dự án trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau thời gian này, việc chuyển nhượng phải tuân thủ theo quy định pháp luật và nhận được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan, bao gồm Bộ Quốc Phòng và Bộ Công An trong các trường hợp có liên quan đến yếu tố quốc phòng và an ninh.

Dự án có thời gian hoạt động kéo dài 50 năm, tính từ ngày quyết định chủ trương đầu tư được ban hành. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư và phương thức lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 98. Trong quá trình khảo sát, thi công và vận hành dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nếu phát hiện di vật, cổ vật, các bên liên quan phải thông báo ngay cho cơ quan văn hóa và chính quyền địa phương để có phương án xử lý phù hợp theo quy định.

Khi đi vào hoạt động, “siêu cảng” Cần Giờ dự kiến sẽ tạo ra từ 6.000 đến 8.000 cơ hội việc làm.

Lợi Ích Kinh Tế Và Tiềm Năng Phát Triển

Theo số liệu báo cáo của Sở Giao Thông Vận Tải TP HCM, sản lượng hàng hóa qua cảng được dự kiến sẽ đạt 2,1 triệu TEU ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Con số này có thể tăng lên đến 16,9 triệu TEU vào năm 2047 sau khi hoàn thành 7 giai đoạn đầu tư. Khi hoạt động hết công suất, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đóng góp từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng vào ngân sách công mỗi năm.

Việc đi vào triển khai Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ mang lại giá trị kinh tế đáng kể, mà còn khẳng định vị thế tiên phong của Việt Nam trong khu vực về phát triển kinh tế biển. Dự án này cũng tạo động lực mạnh mẽ cho ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế quốc gia.

Author

nhut-do

View more article by